Nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1

Thời gian cập nhật: 06/11/2018

NHÀ MÁY ĐIỆN MẶT TRỜI SÔNG LŨY 1

LỜI KHẲNG ĐỊNH CHO TIỀM NĂNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TẠI VIỆT NAM

Với dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp lượng điện năng sản xuất trong năm khoảng 80 triệu kWh, nhà máy Điện mặt trời Sông Lũy 1 đang góp phần đẩy mạnh phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

02-1

Điện mặt trời là loại năng lượng sạch không chỉ được chú ý tới bởi giá thành sản xuất điện năng không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác mà còn bởi chi phí đầu tư luôn được giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ sản xuất tấm pin quang điện. Với nguồn tài nguyên vô tận, điện mặt trời sẽ là xu thế tất yếu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong tương lai. Đón nhận xu hướng đó, Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 được Bộ Công Thương phê duyệt có công suất 39 MW, xây dựng trên diện tích 45 ha tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, với tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng. Dự án lắp đặt khoảng 130.000 tấm pin điện mặt trời, áp dụng công nghệ hiện đại Mono Perc với hiệu suất tế bào quang điện lên tới 21,3% (mức quy định là 16%) giúp giảm diện tích sử dụng đất.

Theo đó, dự án có quy mô đầu tư xây dựng gồm các hạng mục:

  • Xây dựng nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ pin quang điện, inverter trung tâm với công suất lắp đặt khoảng 39MWac;
  • Xây dựng 01 trạm biến áp nâng áp 22/110kV, công suất 1x40MVA;
  • Xây dựng 01 trạm cắt 110kV nằm gần trạm biến áp Nhà máy Điện Mặt trời Sông Lũy 1;
  • Xây dựng mới đường dây 110kV mạch kép đấu nối từ trạm cắt 110kV chuyển tiếp trên đường dây 110kV Phan Thiết – Lương Sơn, chiều dài khoảng 95m;
  • Xây dựng mới đường dây 110kV mạch đơn đấu nối từ thanh cái 110kV trạm nâng 22/110kV Điện Mặt trời Sông Lũy 1 đến thanh cái 110kV trạm cắt 110kV, chiều dài khoảng 33m;
  • Xây dựng mới đường dây 22kV cấp điện thi công – tự dùng, chiều dài khoảng 700m.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 là một trong những dự án được tỉnh quan tâm. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng mới của tỉnh. Nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động sẽ là tiền đề để phát triển nhiều nhà máy điện mặt trời trong toàn tỉnh. Sản lượng điện sạch trên khi hòa vào mạng lưới điện quốc gia sẽ góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia.

Ông Trần Thế Thành – Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Quang điện Bình Thuận cho biết, nhà đầu tư đã lựa chọn các đối tác hàng đầu trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời để tham gia thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công lắp đặt và vận hành nhà máy.

Cụ thể như tư vấn lập dự án Sigma Energy (Tây Ban Nha) – Tư vấn điện 4 (Việt Nam), Tư vấn giám sát Tractebel (Bỉ); Nhà cung cấp thiết bị ABB (Thụy Điển), TMEIC (Nhật), JA Solar (Trung Quốc); Nhà thầu xây dựng lắp đặt PowerChina (Trung Quốc)-AIT (Việt Nam). Ngoài ra, dự án được hỗ trợ tín dụng bởi Ngân hàng SHB.

Cùng với đó, EGRID.,JSC (Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật và quản lý dự án Lưới Điện) cũng nắm giữ vai trò là nhà cung cấp dịch vụ quản lý vận hành cho Nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 trong dự án này.Solar-SongLuy-5Ngày 23/08/2018, tại Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang điện Bình Thuận và Liên danh Công ty Cổ phần Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Thông tin (AIT CORP) – Tập đoàn quốc tế Power China đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng EPC xây dựng Nhà máy Điện Mặt trời Sông Lũy 1. Trong đó, AIT CORP đảm nhận hạng mục xây dựng trạm biến áp nâng áp 22/110kV, xây dựng trạm cắt 110kV và xây dựng đường dây; Power China đảm nhận hạng mục xây dựng nhà máy điện mặt trời, tổng mức đầu tư của dự án là 970,33 tỷ đồng.

Ngày 23/9, Công ty cổ phần Đầu tư Quang điện Bình Thuận đã tổ chức lễ khởi công dự án nhà máy điện mặt trời Sông Lũy 1 tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Ông Trần Thế Thành cho hay, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng tự nhiên của tỉnh, dự án sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng, khi ưu tiên nguồn nhân lực địa phương và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.

Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu và độ ẩm gió mùa đặc trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài. Đây là nơi có tổng số giờ nắng cả năm lên đến 2.728 giờ. Lượng bức xạ tổng cộng thực tế hàng năm là 1.961 kWh/m2 và của trung bình ngày khoảng 5,35kWh/m2. Ngoài ra, điều kiện khí hậu ở đây rất thuận lợi do ít chịu ảnh hưởng của gió bão, nên là điều kiện khá lý tưởng cho việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời.

(Bài viết có tham khảo nội dung hình ảnh của Nguyễn Thanh – TTXVN)

CÁC TIN BÀI KHÁC

1
Bạn cần hỗ trợ?